Nguyên tắc tập trung dân chủ

thuvienhiendai

Ảnh minh họa

Nhận thức và vận dụng các quy luật trong quản lý là một quá trình đi từ cái chung đến cái riêng, từ trừu tượng đến cụ thể để đề ra các nguyên tắc của quản lý. Các nguyên tắc quản lý là các quy tắc chuẩn mực, bắt buộc những người quản lý phải tuân thủ trong quá trình quản lý. Các nguyên tắc quản lý do con người định ra, vừa phản ánh các quy luật khách quan nhưng cũng mang dấu ấn chủ quan của con người. Trong lịch sử hoạt động quản lý, người ta đã đưa ra nhiều nguyên tắc quản lý và mỗi lĩnh vực hoạt động lại có những nguyên tắc quản lý đặc thù.

Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên tắc tập trung dân chủ là gì ? Cơ sở hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ; nội dung, yêu cầu và các điều kiện  thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

1. Khái niệm chung

Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của quản lý, phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng quản lý cũng như yêu cầu và mục tiêu của quản lý.

2. Sự cần thiết khách quan vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ

Cơ sở hình thành của nguyên tắc tập trung dân chủ là xuất phát từ yêu cầu đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của hệ thống quản lý. Trong thực tiễn, khi người quản lý thực hiện mô hình phi dân chủ thì sẽ dẫn đến hệ thống chuyên quyền, độc đoán, quan liêu dẫn đến trong hoạt động của hệ thống không có hiệu quả. Nếu thực hiện hệ thống phi tập trung thì sẽ dẫn đến sự rối loạn trong hệ thống sẽ đưa đến tình trạng tự phát, hỗn loạn, tự do vô chính phủ làm cho hoạt động của hệ thống quản lý cũng không có hiệu quả.

3. Nội dung và yêu cầu của tập trung dân chủ:

Như vậy, từ cơ sở khách quan của việc hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ, khi thực hiện nguyên tắc này chúng ta phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung sau:

– Cần phải đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa tập trung và dân chủ trong quản lý, tức là đảm bảo sự kết hợp giữa nội dung lãnh đạo thống nhất của cơ quan quản lý với tính chủ động sáng tạo của cơ sở, của tập thể người lao động trong hệ thống nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý. Yếu tố dân chủ là để phát huy hiệu quả cao nhất trong quá trình phát triển cho nên phải kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố trên trong quản lý, thông qua sự kết hợp đó để đảm bảo sự thống nhất ý chí trong hệ thống quản lý dẫn đến đảm bảo hiệu quả cao. Đó là mục tiêu cao nhất trong quá trình quản lý.

Về bản chất thì tập trung và dân chủ là 2 xu hương diễn ra đồng thời cùng 1 lúc. Tập trung dân chủ là 1 nguyên tắc thống nhất chứ không phải là sự kết hợp, sự điều hòa giữa tập trung và dân chủ; không phải là sự tập trung càng cao thì dân chủ càng giảm và ngược lại.

Trong nguyên tắc thống nhất này, tập trung và dân chủ tác động cùng chiều, theo tỷ lệ thuận, đòi hỏi phải đảm bảo lẫn nhau.

Xu hướng tập trung được biểu hiện ở 2 nội dung: thứ nhất, tập trung là sự thống nhất về tư tưởng và hành động của tất cả các thành viên trong hệ thống. Thứ 2 đó là sự tập trung quyền lực để giải quyết các công việc phát sinh trong hệ thống, tức là phải có đủ quyền lực để giải quyết mọi vấn đề có sự lãnh đạo, quản lý, điều hành thông suốt. Do đó tập trung là 1 xu hướng cần thiết.

Về xu hướng dân chủ thì hiện nay có 2 quan điểm khác nhau về dân chủ. Quan điểm thứ nhất là: Dân chủ là quyền và trình độ dân chủ tương ứng với quyền lực của đối tượng quản lý. Nếu hiểu theo quan điểm này dễ dẫn tới tình trạng dân chủ quá đà tự phát, tự do vô chính phủ. Vì quyền bao quát hết nội dung dân chủ và quyền phải hiểu theo nghĩa là làm rõ cái gì, cái gì không làm rõ, do đó dân chủ không đồng nghĩa với quyền. Quan điểm coi dân chủ là môi trường, là điều kiện để phát triển của mỗi cá nhân. Như vậy, dân chủ là môi trường, là điều kiện để phát triển của mỗi cá nhân có được những cơ hội phát triển hoàn thiện trong sự phát triển của xã hội, của cộng đồng. Tùy thuộc khả năng và mức độ ảnh hưởng của các cá nhân tới quyết định chung của cộng đồng, tới việc giải quyết công việc chung mà có thể thấy một xã hội dân chủ đến mức nào.

Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để xây dựng mô hình tổ chức quản lý còn gọi là nguyên tắc phân công, phân cấp, đồng thời còn là cơ sở để xây dựng cơ chế quản lý kinh tế.

– Để vận dụng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ cần có 2 điều kiện về nhận thức và thực tiễn. Về mặt nhận thức thì cần phải nhận thức đúng vai trò của tập trung và vai trò của dân chủ trong quan hệ tập trung – dân chủ. Trong quan hệ tập trung dân chủ thì tập trung bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, nó định hướng cho các biện pháp dân chủ nhằm để đảm bảo sự tồn tại và tạo ra khả năng phát triển của hệ thống. Mất đi sự tập trung là mất đi sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống dẫn tới tình trạng tổ chức sẽ bị biến dạng. Ngoài ra, tập trung còn là cơ sở định hướng để giải quyết các nội dung, biện pháp thực hiện dân chủ; còn dân chủ thì có vai trò tạo cơ sở về xã hội, kinh tế, chính trị để thực hiện tốt tập trung trong quản lý. Chính về mặt này các nhà quản lý mới tạo ra được sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động nhằm đảm bảo tốt cho yêu cầu tập trung trong quản lý. Ngược lại dân chủ cũng có vai trò tạo cơ sở cho xã hội, kinh tế chính trị để thực hiện tốt tập trung trong quản lý, thông qua các giải pháp dân chủ mà các nhà quản lý thực hiện được sự thống nhất trong quản lý một cách tốt nhất. Như vậy, các biện pháp dân chủ nhằm bảo đảm cho sự lãnh đạo tập trung, càng mở rộng dân chủ thì yêu cầu tập trung thống nhất càng cao, thỏa mãn dân chủ đưa đến tự do vô chính phủ cũng như tập trung quá mức dẫn đến tập trung quan liêu. Tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải được thực hiện trong khuôn khổ tập trung. Đây là nguyên tắc rất quan trọng của quản lý, nó có tính khách quan, phổ quát, song thực hiện không đơn giản, phụ thuộc vào bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và phong cách của người quản lý.

Về mặt thực tiễn, chúng ta cần phải sử dụng kết hợp, những công cụ, những biện pháp thực hiện tập trung dân chủ trong quản lý. Để đảm bảo yêu cầu tập trung trong quản lý cần có những công cụ sử dụng như: Luật, chính sách, chế độ, quy chế. Nhà nước sử dụng các hệ thống chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển…và sử dụng một công cụ nữa đó là chế độ một người chỉ huy (còn gọi là chế độ thủ trưởng). Đồng thời để đảm bảo yêu cầu dân chủ, các nhà quản lý phải sử dụng các giải pháp như: chế độ tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các chế độ, các hình thức đảm bảo quyền tham gia quản lý của chủ thể người lao động.

Từ sự phân tích trên cho chúng ta thấy nhà quản lý phải đảm bảo cho bằng được sự kết hợp giữa các công cụ của tập trung và các giải pháp của dân chủ; nếu không kết hợp đồng bộ thì việc thực hiện nguyên tắc trên trở nên vô nghĩa.

Công cụ quản lý để thực hiện tập trung: Hệ thống luật, chính sách, quy chế; các chiến lược, kế hoạch, chương trình; chế độ 1 người chỉ huy.

Các giải pháp để thực hiện dân chủ:

– Thực hiện chế độ tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp;

– Thực hiện các chế độ phân công, phân cấp trong quản lý;

– Thực hiện các hình thức để bảo đảm tập thể người lao động được tham gia quản lý.

Như vậy, đây là một nguyên tắc rất quan trọng của quản lý, nó có tính khách quan, phổ quát, song thực hiện không đơn giản, phụ thuộc vào bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và phong cách của người quản lý.

***

Nhìn lại một cách tổng quát thì việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các cơ quan, đơn vị thời gian qua là khá tốt. Từ việc tổng kết, đánh giá và đề ra kế hoạch… đều được thông qua CBCCVC đóng góp ý kiến thống nhất. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề thực hiện chưa được đầy đủ, biểu hiện như: Trong quản lý có lúc tập trung quá cao thể hiện ở công tác kế hoạch, tài chính, tổ chức, cán bộ… Từ đó xuất hiện dấu hiệu chuyên quyền, độc đoán, áp đặt… làm cho CBCCVC luôn ở thế bị động, không phát huy được tính sáng tạo, dẫn đến năng suất hiệu quả không cao. Ngược lại cũng có không ít các biểu hiện dân chủ quá mức, vượt trên dân chủ nên dẫn đến tình trạng xâm phạm vào quyền của lãnh đạo, thiếu tôn trọng lãnh đạo, gây nên tình trạng vô tổ chức./.

Tagged with: ,
Posted in Quản lý

Bình luận về bài viết này